Thứ Hai, 27 tháng 3, 2017

Công nghệ xử lý nước biển

Nước biển thường có độ mặn rất cao (độ mặn ở Thái Bình Dương là 32 – 35 g/l). Hàm lượng muối trong nước biển thay đổi tùy theo vị trí địa lý như: cửa sông, gần hay xa bờ. Ngoài ra trong nước biển thường có nhiều chất lơ lửng, chủ yếu là các phiêu sinh động thực vật.

Xử lý nước biển bằng công nghệ lọc thẩm thấu ngược (RO system) đã trở nên phổ biến với màng có kích thước 0.0001 micron, có khả năng khử hơn 99% các ion và toàn bộ tạp chất, vi khuẩn có trong nước. Nước sau xử lý qua màng RO là nước khử khoáng với độ tinh khiết cao. Tuy nhiên, để đảm bảo chất lượng nước thành phẩm cũng như tuổi thọ của màng RO, cần phải trang bị đầy đủ các hệ tiền xử lý đầu nguồn để giảm tải trọng cho chi tiết quan trọng trong hệ thống màng RO.


Sơ đồ hệ thống lọc nước biển bằng công nghệ RO.

- Giai đoạn 1: Tiền xử lý: là giai đoạn lắng và lọc sơ bộ để loại bỏ rác, cặn lắng, các chất rắn lơ lửng, điều chỉnh pH.
- Giai đoạn 2: Điều áp: sử dụng bơm tăng áp lực điều chỉnh áp lực nước phù hợp với các màng lọc và độ mặn của nước cấp.
- Giai đoạn 3: Tách màng: đây là giai đoạn quan trọng nhất, tách muối ra khỏi nước. Trên nguyên tắc dùng áp lực cao hơn áp lực thẩm thấu, nước được bơm qua hệ thống lọc RO dưới áp lực cao tạo thành dòng nước tinh khiết và dòng muối đậm đặc. Qua kiểm nghiệm, nước ngọt thu được bảo đảm như nước tinh khiết, các chất bẩn nguy hại như Nitrat, Ion kim loại, sun phát, chất bẩn hữu cơ và vi khuẩn… hầu như bị loại bỏ.
- Giai đoạn 4: Ổn định: nước sau khi được tách muối được ổn định pH, sau đó mang đi khử trùng và đưa vào sử dụng. Vì qua màng lọc có thể mất khoáng nên trước khi cấp nước người ta có thể bổ sung thêm một số khoáng chất cần thiết cho cơ thể.

Ứng dụng công nghệ lọc nước vào đời sống

Ngày nay, công nghệ lọc nước biển thành nước ngọt được sử dụng rộng rãi trên thế giới, cung cấp nước ngọt cho dân cư ở khu vực ven biển, hải đảo, ngư dân đánh bắt cá xa bờ, vùng lọc dầu,…

Tại Việt Nam công nghệ lọc nước biển thành nước ngọt bằng RO đã được lắp đặt thử nhiệm tại một số địa phương như: trên tàu đánh bắt xa bờ của ngư dân Đà Nẵng, xử lý nước biển thành nước ngọt cho giàn khoan dầu khí tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, xử lý nước mặn phục vụ cho ăn uống và sinh hoạt tại Sư đoàn 4, tỉnh Kiên Giang (công suất 140 m3/ngđ),…

Không có nhận xét nào:
Write nhận xét